Lịch sử hình thành làng Thanh Nhang xã Giao Thanh
Giao Thanh là một xã thuần nông của huyện Giao Thủy được hình thành nên từ làng Thanh Nhang (Thanh Hương) xưa, cách trung tâm huyện lỵ Giao Thủy 10km; phía Bắc giáp xã Giao Hương, phía Tây giáp xã Hồng Thuận, phía Đông giáp xã Giao An và Giao Thiện. Xã có diện tích tự nhiên là 6,3129 km2, với 7.181 nhân khẩu; có 2 tôn giáo là Phật giáo và Thiên chúa giáo. Toàn xã hiện nay có 10 xóm là Thanh Long, Thanh Hùng, Thanh Tân, Thanh Châu, Thanh Minh, Thanh Nhân, Thanh Mỹ, Thanh An, Thanh Lâm, Thanh Giáo..

Tên xã được đặt đầu tiên vào đời Thiệu Trị năm thứ 2 (1842) là xã Thanh Hương. Đến triều Thành Thái năm thứ nhất (1889), tổng Hà Cát được thành lập, xã Thanh Hương thuộc tổng Hà Cát. Từ đó xã Thanh Hương còn có tên gọi khác là xã Thanh Nhang. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, năm 1952 vùng du kích được mở rộng, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa quyết định hợp nhất 2 xã Thanh Nhang và Nam Thiện thành xã Giao Hà Thanh. Đến tháng 7 năm 1956, sau khi hoàn thành công cuộc cải cách ruộng đất, bước sang giai đoạn sửa sai, xã Giao Hà Thanh lại được tách ra làm hai là Giao Thanh và Giao Hương. Xã Giao Thanh ngày nay cơ bản là xã Thanh Nhang của những năm 1951  trở về trước, riêng có 3 xóm Thanh Bắc, Thanh Đông, Thanh Phú cắt về xã Giao Hương.

Trước kia khi cửa Ba Lạt chưa phá hội, sông Hồng chủ yếu đổ ra cửa Hà Lạn thì huyện Giao Thủy còn bên tả ngạn sông Hồng. Năm 1786, thời Lê Cảnh Hưng cho khơi sâu dòng Ba Lạt, đưa lượng nước lớn đổ nhanh ra biển Đông, vì thế nước dòng sông từ ngã ba sông Sò đổ ra cửa Ba Lạt tăng nhanh lưu tốc, khiến cho dòng sông nhanh chóng khơi sâu, mở rộng, dòng sông ngày càng lớn. Miền cửa sông phù sa tạo lên vùng bãi bồi lớn là Cồn Ngạn và Cồn Lu. Trong khi đó lưu tốc sông Hà Lạn giảm dần, tôm cá tập trung về ngày một nhiều, đặc biệt là giống sò quý, nhân dân thường đổ về đây đánh bắt, vì thế sông Hà Lạn còn có tên là sông Sò.

Thời Thiệu Trị (1841-1847), nhà vua ban chỉ dụ, kêu gọi những người có tiền của hiến dâng tài sản để giúp cho dân nghèo và xây dựng đất nước. Cụ Đặng Xuân Cát quê ở xã Xa Đầu huyện Dương Minh tỉnh Quảng Đông Trung Quốc sang Việt Nam buôn bán ở phố Hàng Đào Hà Nội là một thương gia giàu có, đã mang vàng bạc dâng lên vua để góp phần xây dựng đất nước. Vua khen ngợi và phong hàm phẩm tước quan, cụ không nhận, xin vua đi du ngoạn về cuối nguồn sông Hồng. Qua thăm dò cụ thấy nơi đây là mảnh đất hoang vu, phù sa màu mỡ, nhiều chim cá, chất đất tốt, có nước phù sa tưới mát quanh năm, cụ xác định sẽ sinh cơ lập nghiệp tại đây và tâu với vua xin được trưng điền lập ấp. Được vua chấp thuận, cụ đã cùng với 13 người nữa ra công khai phá đất đai, tạo lập xóm làng. Sau này 14 cụ được nhân dân gọi là “Thập Tứ Hiệu”, tức là 14 cụ đã có công tạo lập nên mảnh đất này. Trong thời gian tiến hành khai hoang lập ấp, cụ tiếp tục mời thêm được 35 cụ nữa vận động nhân dân đến lập ấp, gọi là khởi dân. 35 cụ thường được nhân dân gọi là “Tam Thập Ngũ Nhân”. Danh sách 35 cụ trước đây đã được ghi vào bia đá, nhưng vì lâu ngày bia đá bị vỡ mất một nửa, nửa còn lại ghi tên 17 cụ . Điền thổ được chia 2 lô: Lô 1 phái Bắc sông Minh Phú, lô 2 phía Nam sông Minh Phú. Điền thổ ban đầu chia cho 14 cụ, mỗi cụ một đạc từ đạc nhất đến đạc 14. Đến nay người dân trong xã thường gọi là đạc nhất, đạc nhì, đạc ba…



Chùa Thanh Quang xã Giao Thanh

Khi đất đai được mở rộng, dân cư dông đúc, năm 1842, cụ Đặng Xuân Cát dâng tấu xin vua đặt tên là xã Thanh Hương (Thanh Nhang). Do có công lao to lớn cụ được vua tặng đồng tiền vàng, mặt trước khắc chữ “Quyết hạ thiên niên hóa, đẳng giao vạn thế truyền, thủ huân chương hữu đức, sở giả bảo duy hiền”. Tạm dịch là “Ngàn năm về sau còn được xếp hạng, muôn đời tiếp theo vẫn còn được truyền lại, việc thưởng huân chương cho người có đức là để duy trì, truyền nối công lao cố gắng của những người hiền tài". Mặt sau đồng tiền khắc chữ “Thiệu trị ấn đức” và cụ còn được vua phong tặng tám chữ: "Bắc quốc đại nhân, Nam bang nghĩa tử”. Tạm dịch: “Là người có danh tiếng ở nước phương Bắc và là người có nghĩa lớn ở nước phương Nam”.

Căn cứ theo thứ tự hình thành của các cồn đất, được các cu gọi thành địa danh như Cồn Nhất, Cồn Nhì, Cồn Ba…riêng Cồn Mốc Giang nằm sát cửa Ba Lạt ra phía biển các cụ lấy đó làm mốc nên gọi là Cồn Mốc Giang. Trên địa bàn xã Thanh Hương có một số con sông chảy qua như: sông Chỉ Nam một nhánh của con sông Hồng, chảy qua Cồn Năm thẳng theo hướng Nam nối với sông Đông Bình, chảy qua xã Tập Thiện (Giao Lạc). Sông Thổ Trạch bắt nguồn từ sông Chỉ Nam, chảy qua giữa làng Đức Lâm và làng Thanh An, qua xã Hà Nam ra sông Mốc Giang rồi ra biển. Đến năm 1970 theo quy hoạch nông thôn, xã Giao Hương lấp sông làm đường nên sông Thổ Trạch còn lại nằm ở xã Giao Thanh. Sông Cổ Vạy, bắt nguồn từ sông Chỉ Nam, chảy vòng qua nghĩa địa, qua miếu Bách Linh, qua đền Thanh Hương, qua giáp Đông Phú, giáp Đông Giáo (Thanh Đông) chảy qua sông Mốc Giang. Sông Minh Phú bắt nguồn từ sông Chỉ Nam, cửa sông đoạn qua cầu chợ Thanh Nhang bắc qua nay gọi là cầu CA7, chảy ra Trừng Uyên, ra sông Ấp (nay gọi là sông CA7). Sông Yên Tứ bắt nguồn từ sông Chỉ Nam, vòng qua miếu Long Tắc Ninh chảy ra sông Ấp (nay gọi là sông Văn Bé 10) phân giới giữa Đại Đồng, xã Tập Thiện (Giao Lạc) với xã Thanh Hương.

Chợ Thanh Nhang hình thành từ rất sớm, tại khu đất giữa sông Cổ Vạy  và sông Minh Phú, có hình giống con Voi. Năm 1850, các cụ đã chọn khu đầu voi để xây dựng chợ làm nơi giao lưu buôn bán trao đổi hàng  hóa trong làng xã và các nơi khác đến giao thương, nơi đây rất nhộn nhịp và thuận tiện trên bến dưới thuyền. Chợ còn có các cửa hàng tạp hóa, hàng thuốc bắc, hàng hóa do nhân dân sản xuất ra mang đến tiêu thụ. Khi chợ hình thành các cụ đã trồng một số cây đa, cây đề để tạo bóng mát, đến nay vẫn còn 2 cây đề cành lá xum xuê, quanh năm tươi tốt. Còn vòi voi từ cửa sông Minh Phú đến cửa sông Mỏ Vạy, sau này hợp tác xã nông nghiệp sử dụng làm lò gạch và xây dựng hệ thống kho.

Xã Thanh Hương xưa có hình chữ Y hướng ra cửa Ba Lạt. Phía Bắc giáp với xã Hà Nam, xã Thiện Giáo (nay là xã Giao Hương); phía Đông giáp với xã Thiện An, xã Tam Thiện (nay là xã Giao An và Giao Thiện); phía Nam giáp với xã Tập Thiện (nay là xã Giao Lạc); phía Tây giáp với xã Hà Cát và xã Định Hải (nay là xã Hồng Thuận).

Đất đai lúc bấy giờ chia thành 9 giáp gồm: giáp Đức Lâm (nay là xóm Thanh Lâm), giáp Thanh An (nay là xóm Thanh An), giáp Chí Thiện (gồm xóm Thanh Tân, Thanh Châu, Thanh Hùng), giáp Minh Đường(nay là xóm Thanh Long), giáp Đông Phú (nay là xóm Thanh Phú xã Giao Hương), giáp Đông Giáo (nay là xóm Thanh Đông xã Giao Hương), giáp Bắc Giáo (nay là xóm Thanh Bắc xã Giao Hương), giáp Nhân Mỹ (nay là xóm Thanh Mỹ), giáp Lý Nhân (nay là xóm Thanh Nhân, Thanh Minh).Riêng xóm Thanh Giáo do nhân dân ở Phú Nhai huyện Xuân Trường và một số nơi di cư xuống lập nên gọi là xã Phú Giáo thuộc tổng Hà Cát. Năm 1942 xã Phú Giáo sáp nhập vào xã Thanh Hương, lúc này xã Phú Giáo gọi là giáp Phú Giáo của xã Thanh Hương.

Dân số của xã trước Cách mạng Tháng 8/1945 có khoảng 1.600 người, tổng diện tích 10,2km2. Nghề chính là làm nông nghiệp, trình độ canh tác thấp kém, chăn nuôi nhỏ lẻ, phát triển chậm, mỗi gia đình chỉ có dăm ba con gà con vịt, một vài con lợn, 1 đến 2 con trâu bò để canh tác. Đa phần nông dân nghèo phải cày thuê, cuốc mướn. Giao thông đi lại bằng đường bộ rất khó khăn, đường đất lầy lội, các phương tiện giao thông hầu như rất ít. Các tuyến đê sông biển còn thô sơ, thiên tai rất khắc nghiệt, mỗi khi có mưa bão lớn, nhà cửa ruộng vườn lại bị tàn phá sạch. Điển hình như trận hồng thủy ngày 12 tháng 5 năm 1903 và trận bão lớn ngày 24/6/1929 đã làm hàng trăm người chết, toàn bộ nhà cửa bị cuốn trôi. Cả hai đợt bão và sóng thần trên, toàn huyện đã có tới hàng ngàn người thiệt mạng, trong đó nhiều gia đình không còn sống sót lây một người. Vì vậy sau này nhân dân trong xã  thường lấy ngày 12/5 và 24/6 hàng năm là ngày giỗ chung.

Để ghi ơn công đức của các cụ tiền bối, những người đã có công khai phá, dựng làng, lập nên xã Thanh Hương, năm 1855 các cụ đã vận động nhân dân xây dựng ngôi đền thờ Thành Hoàng và Thập Tứ Hiệu, Thập Tam Ngũ Nhân lấy tên là Thanh Hương chính từ tại giáp Thanh An. Lúc đầu, đền được làm từ gỗ lim rộng 5 gian, sau này do sự tàn phá của thiên nhiên và chiến tranh ngôi đền bị hư hại nhiều, nhân dân trùng tu, tôn tạo, đến nay ngôi đền được xây bằng gạch cuốn khang trang, đẹp đẽ. Đền có 2 sắc vua phong: Một sắc phong dưới thời Vua Duy Tân (1911); Một sắc phong dưới thới Vua Khải Định năm thứ 9. Năm 1992, hai sắc phong này đã được Viện Hán Nôm dịch ra chữ quốc ngữ. Nguyên văn hai bản sắc phong đó bằng chữ Hán vẫn được bảo quản trong tráp sơn son thếp vàng tại đền Thanh Hương chính từ. Đền có hai câu đối: Câu bên phải là: "Xã hiệu mịch linh thanh Đặng tiên công, khai cơ tự tích"; Câu bên trái: "Kim công tu miếu Vũ thanh an giáp, kế tự vu kim".

Tại khu vực đền có cây gạo được trồng từ thời đó, đến năm 2005 được Ủy ban nhân dân huyện Giao Thủy công nhận được 145 tuổi, là cây cổ thụ, cao to, xum xuê, tạo cho cảnh quan của đền càng thêm cổ kính. Năm Tự Đức thứ 10 (năm 1857) dân cư phát triển ngày càng đông, đời sống tinh thần, vật chất đã được cải thiện, giao lưu văn hóa đã được mở rộng, nhân dân tổ chức rước chân nhang từ đền Thanh Hương chính từ ra xây đền và chùa Thanh Quang (tại xóm Thanh Mỹ).Tại đền, chùa Thanh Quang hiện nay vẫn còn tấm bia đá ghi: Khai Thổ Thập Tứ Hiệu, Tự Đức Thập Niên. Tứ Nguyệt Nhật Thành Thái Tứ Niên, Cửu Nhất Khai Dân. Tạm dịch là: "Năm Tự Đức thứ tư, 14 người khai đất; tháng tư năm Thành Thái thứ tư, 91 người khai dân".
Ngày nay dưới sự lãnh đạo của Đảng Bộ xã, cán bộ và nhân dân xã Giao Thanh đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua thử thách, giành được nhiều thành tích trên các lĩnh vực kinh tế- xã hội. Sản xuất nông nghiệp được phát triển và giữ vững: năng suất lúa bình quân 132,52 tạ/ ha, sản lượng quy ra thóc đạt 5.248,8 tấn/ năm. Bình quân lương thực đầu người đạt 750kg. Lĩnh vực văn hoá- xã hội được quan tâm và có nhiều khởi sắc. Kết cấu hạ tầng như điện, đường, trường, các công trình phúc lợi xã hội như trạm y tế, chợ được đầu tư cải tạo nâng cấp ngày càng khang trang.Nhân dân Giao Thanh không phân biệt lương, giáo sống đoàn kết, chan hoà chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh./.
                                                                                                        Hồng Luyến

Tin liên quan

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1